GIỚI THIỆU
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 19
Số lượt truy cập: 8461315
QUẢNG CÁO
TẢN MẠN CHUYỆN MÙA MƯA LŨ! 11/1/2019 8:00:18 AM
Quê tôi ở xã Mai Thủy thôn Lê Xá. Thời khai sinh, lập địa làng tôi ở phía dưới đường tàu, một vùng đất trũng có hình chữ nhật được bao quanh bởi tầng lớp tre xanh và cơ man toàn chuối là chuối.

Nhà tôi ở cuối làng sát con mương chạy từ Tiền Thiệp đến thôn Thạch Bàn xã Phú Thủy đưa nước tưới cho cánh đồng ba xã (Xuân - Mai - Phú) nên đến mùa mưa lũ vì đứng ở đầu sóng ngọn gió phải hứng chịu đủ thứ.

Leo lên tra, nhìn ra cánh đồng nước trắng xóa, đục ngầu, sóng chồm lên sóng. Nước dâng nhanh, chảy xiết cuốn theo nhiều thứ: lác năn, rơm rạ, que lẻ, chai hụ, rắn rết, chuột kiến ... Cứ thế bồng bềnh tấp vào vườn vào sân. Nước ngập sân, liếm láp nền nhà, dâng ngập đầu gối, nhấn chìm bàn ghế, lút đầu người... (Nghe nói năm 1950 – năm Canh Dần nước dâng cao đến trếng nhà).

Quê tôi thời đó, nói như cách nói hiện nay là đã biết “sống chung với lũ” rồi. Biết sắp lụt là mọi nhà đều đẵn chuối làm bè. Khoảng sáu, bảy cây chuối to được ghép lại buộc ba đường ngang là thành một cái bè.

Chiều dài của bè khoảng ba mét, rộng khoảng một mét rưỡi là những chiếc bè đảm bảo “ra khơi vào lộng” được rồi. Bè dùng để chở người già, trẻ nhỏ, lợn gà... sơ   tán tránh lụt (đến ở với nhà bà con trên đường 15). Bè dùng để đặt bếp nấu cơm. Bè đi vớt củi, đẩy rều. Bè được buộc vào bốn cột nhà đặt lên đó tấm ván là thành giường nằm ngủ. Bè là cái phao cho lũ trẻ ngụp lặn, chơi đùa (Tôi biết bơi cũng nhờ vào những dịp này).

Lúc còn nhỏ, tôi không biết lụt lên là vất vả vì có làm gì đâu chỉ mỗi có việc tung tăng chơi nước, dùng bè chống, kéo đi nghênh ngang hết ngỏ này đến ngỏ khác với mấy thằng bạn cũng nghịch như tôi. Chúng tôi thường rủ nhau đi bắt chim, đâm chuột, đập rắn. Thật là thích. Đói bụng về nhà ăn, lại lên bè đi chơi. Tối đến lại lên bè ngủ. Cực là cực mẹ và các chị tôi thôi. Nước bắt đầu vào nhà là phải sắp xếp đồ đạc để chuyển lên sàn. Rều theo nước tấp vào nhà, chị tôi dùng sào dài lựa thế để đẩy đi nơi khác. Áo quần chị tôi ướt sủng, run cầm cập vì nước bạc. Cái giếng nhà tôi thành ngang mặt đất nên không có nước sạch để dùng (hầu hết các nhà ở làng tôi giếng đều giống nhau). Nấu cơm canh, tắm giặt, rửa ráy... đều sử dụng nước lụt “nguyên chất”. Bởi vậy cho nên ngay trong lụt và sau lụt nhiều người đau bụng đi ngoài, mắt đỏ hoe, da lở loét ngứa ngáy...

Sau này, khi đã có gia đình, tôi đã xây thành giếng cao lên. Đến mùa lụt tới, tôi đem tấm ni long đậy lên miệng giếng và dùng dây cao su bịt lại. Sau lụt, nhà tôi có thừa nước trong dùng thoải mái, bà con đến xin về dùng cứ tấm tắc khen tôi là sáng tạo.

Nước  lụt có đợt ngâm đến ba, bốn ngày mới rút. Trong nhà nước ngang ngực, nước ngoài đường lút quá đầu nên mọi sinh hoạt đi lại đều nhờ chiếc bè. Gạo, khoai sắn khô nhờ có sự chuẩn bị trước nên không thiếu lắm chỉ thiếu rau. Rau rụi cả rồi. Bữa cơm chỉ có muối và nước mắm nên sinh ra táo bón. Có một chuyện mà tôi nhớ mãi. Bữa đó đang bưng cơm ăn, chị tôi tự nhiên chuyển chỗ, hét lên, mặt tái mét làm bè chồng chềnh xuýt làm cả nhà rơi xuống nước. Thì ra phía chái nhà, cách chỗ cả nhà tôi ăn cơm hơn một mét có bốn, năm đầu rắn thò ra lắc lắc, lo le cái lưỡi còn thân hình thì quấn vào nhau như ta bện dây thừng. Lụt lội là thế đấy. Cóc nhảy lên bè với người từng bầy, chuột chạy từng đàn trên mái nhà cắn nhau kêu chí chóe. Còn kiến! Kiến chỗ nào cũng có. Con thì cắn ở chân, con thì cắn ở tai. Khốn khổ. Nửa đêm, chú H, người nhà hàng, xóm kêu toán lên rồi tôi nghe tiếng rên. Hỏi vọng sang mới biết là có con rết to bằng lưỡi hái xin vào ngủ nhờ và đã tặng chủ nhà một món quà: Cắn một miếng vào bắp đùi.

Lụt lên khổ! Nước xuống càng cực hơn! Trong giấc ngủ mơ màng, thỉnh thoảng tôi nhận ra tiếng mẹ, tiếng chị tôi hỏi nhau nước rút ít nhiều? Rồi tiếng chân bì bõm của mẹ lội dò mực nước nông sâu.

Nước rút! Cả nhà đều dậy. Ngọn đèn dầu sáng như con đom đóm được thắp lên, ánh sáng nhập nhòa vì gió. Mỗi người một dụng cụ. Người tát nước, người lấy giẻ lau chùi, người dùng chổi đánh bùn loãng ra và quét đi. Nước rút tới đâu cố gắng làm sạch tới đó. Nước rút ban ngày thì không đến nỗi gì nhưng nước xuống vào lúc khuya, rút chậm là khổ rồi. Cứ phải đợi, phải chờ, ngâm chân trong nước trắng bệt ra tê tái.

Nước đã rút chạy về phía xa ruộng sâu. Bầu trời xám xịt với mưa giăng dày hạt đã trở lại trong xanh nhường chỗ cho ông mặt trời hắt những tia nắng rực rỡ sưởi ấm mặt đất. Mọi sinh hoạt sau lụt có phần đỡ hơn. Nhưng còn đó nhiều việc phải làm. Nước dâng gặp gió tạo nên những đợt sóng làm sập phên bưng che nhà, nhà bây giờ trống hoang trống hoác gió cứ mặc sức lồng lộng thổi vào. Đất vườn sủi tăm phải khơi hào thoát nước để trồng rau màu cứu đói. Vườn chuối đổ ngổn ngang, cây nọ đan chèn lên cây kia. Rều tấp thành tường lên đến nửa cây tre. Rều thành đống. Rều thành thảm. Đi đâu cũng thấy rều là rều. Một mùi tanh tưởi bốc lên ghê người. Ruồi nhặng bu dày đặc, kêu ong ong, tua túa đầy trời. Chó tha xác chuột chạy khắp nơi, cắn giành nhau kêu ăng ẳng. Phải cùng nhau làm sạch môi trường thôi. Mệt bở hơi tai.

Năm 1986. Tháng 6 năm ấy, theo chủ trương của thôn, cả làng tôi nhà trước, nhà sau  lần lượt chuyển lên lập làng mới ở phía trên đường tàu.

Thế là thoát lụt! Vườn đất nhà tôi nếu có mưa thật to chỉ cần cầm cuốc khơi dòng tý chút là nước chảy hết khô ráo. Tôi hay nói đùa “Trời mưa nước chảy, hết mưa hết nước”. Thật là sướng!

Năm tháng cứ thế dần trôi, công việc giảng dạy của tôi cứ theo dòng thời gian trôi vào quá khứ. Những trường tôi đi qua không hề bị lụt nên mọi điều nghĩ về lụt cũng bị lãng quên.

Tôi chuyển về công tác tại trường THCS Xuân Thủy đầu năm học 2009 - 2010. Và rồi những gì đã qua, đã đi vào dĩ vãng lại hiển hiện nhãn tiền: Lụt!

Biết vậy, nhưng tôi vẫn cứ ngỡ ngàng, lo lắng, bị động. Nhìn con sông Kiến Giang vốn trong xanh, hiền hòa đáng yêu là vậy mà bây giờ sao dữ dội đáng sợ  đến thế. Bầu trời xám xịt, sấm chớp ầm ầm, mưa tuôn xối xả, nước lên nhanh, mặt sông rộng ra, nước đục ngầu chảy xiết cuốn phăng mọi thứ.

Mực nước lên đến đâu thì cho học sinh nghỉ học? Các thôn Xuân Lai, Mai Hạ, Xuân Bồ có những đoạn đường nào  trũng sâu để bố trí giáo viên đến đó hướng dẫn học sinh về nhà an toàn. Mực nước vào phòng học dâng cao bao nhiêu để kê tủ bàn, máy vi tính, đồ dùng dạy học? Ai ở lại trực, ai được về? Người ở lại trực phải là nam giới! Đội ngũ trường tôi đều ở vùng giữa - vùng bị nước ngập sâu. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng: Mẹ già, con dại, vợ ốm... Ai cũng có tài sản, vốn liếng của mình như xe máy, năm bảy tạ thóc, tủ bàn, gà vịt ... cần phải được chuyển lên cao. Công việc nặng nề này chỉ có người đàn ông mới làm được. Ở lại trực lụt đồng nghĩa với sự chịu thiệt thòi mất mát. Lương thực, thực phẩm chuẩn bị như thế nào để đảm  bảo đời sống cho anh em giữa mênh mông sóng nước. Khi nước rút, mười phòng học bùn dày gần gang tay lấy đâu ra lực lượng để dọn dẹp, vệ sinh...?

Nhớ lại xưa! Thích nghi dần!

Nhìn mực nước ở cọc tiêu cắm trước cổng trường thì cho học sinh nghỉ học. Tập hợp đội ngũ, lên kế hoạch phòng chống. Thông tin liên lạc nắm tình hình học sinh  qua về những chỗ nước sâu. Nước bắt đầu rút khỏi phòng học dù ngày hay đêm, sớm hay khuya bằng mọi giá phải vệ sinh sạch sẽ (điện gọi đội ngũ, nhờ cậy phụ huynh quanh trường cùng làm).

Nước rút, sân trường ngổn ngang rác bùn. Cảnh “kéo cày thay trâu” lại tái hiện. Một tấm ván dài buộc dây, hai thầy giáo đi trước kéo, năm bảy học sinh đi sau đè lên đẩy bùn. Rồi nước tưới, chổi quét, áo quần,  mặt mũi thầy trò nhem nhuốc, lấm lem. Cũng vui!

“Thủy, hỏa, đạo tặc” không sai! Chủ quan một tý, chậm một tý là hết sạch. Vài chục máy vi tính, tủ, bàn, ghế làm bằng gỗ ép...ước đến vài trăm triệu ngâm trong nước còn gì?

Cứ mỗi trận lụt qua, đội ngũ hỏi thăm nhau mất mát, ướt át cái gì? Nghe cô T nói - tôi nghĩ - rất có lý và hiệu quả. Chồng cô ấy là lính biên phòng ở xa, thấy có dấu hiệu lụt cô ấy mua sẵn mấy tấm bạt lấy trải ra đùm mọi thứ. Thứ to như giường, tủ, thóc, xe máy thì dùng bạt to, thứ nhỏ dùng bạt nhỏ đùm lại lấy dây cao su buộc chặt. Quá tuyệt vời!

Sao lại trùng hợp với tôi thế! Cái thời tôi dùng ni long bịt miệng giếng, rồi sau này khi nghe có bão, tôi mua ni long đậy mọi thứ, dùng dây buộc lại cũng an tâm và rất an toàn.

Thế đấy! Phòng bệnh hơn chữa bệnh! An nguy tại thiên mà an nguy cũng tại nhân!

 


Xuân Thủy, ngày 09.11.2011.
Nguyễn Thanh Khiêm

(ST: Bá Hiệp)



Lu 11.jpg

TÌM KIẾM


Hỗ trợ trực tuyến
Nguyễn Thị Thủy
Nguyễn Thị Thủy
Hiệu trưởng
Dương Bá Hiệp
Dương Bá Hiệp
Admin
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


TRƯỜNG TIỂU HỌC MAI THỦY - HUYỆN LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 0232.3882932 - Email: thmaithuy@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường. Tel: 0912.037911 - Mail: cuonggiaoduc@gmail.com