KHUYẾN CÁO PHÒNG NGỪA ĐUỐI NƯỚC Ở TRẺ EM
Theo số liệu thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng 3.500 trẻ
bị chết đuối, trong đó độ tuổi từ 0 - 4 chiếm tỷ lệ cao nhất.
Tình trạng đuối nước ở trẻ lớn được ghi nhận nhiều vào mùa
hè, tiết trời nắng nóng, mùa mưa lũ… Nguyên nhân do cha mẹ, người chăm trẻ và
trẻ còn chủ quan, chưa biết nguyên tắc an toàn với môi trường nước, chưa biết
bơi, chưa có kinh nghiệm cứu đuối nước và sơ cấp cứu (CPR).
Địa điểm xảy ra đuối nước thường ngay trong nhà hoặc gần
nhà, trên đường trẻ đi học, gần nơi vui chơi của trẻ, các khu vực giếng nước,
hồ, ao, mương, máng, biển, sông, ngòi, hố nước của các công trình, hố trồng cao
su hoặc dụng cụ chứa nước (thùng, lu, chậu, bồn tắm,…).
Để chủ động phòng ngừa đuối nước ở trẻ em,
Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện các biện pháp
sau:
1. Làm cửa chắn và rào chắn quanh nhà nếu nhà ở gần vùng
sông nước, ao hồ...
2. Làm rào chắn quanh ao, hố nước, rãnh nước gần nhà nơi
trẻ dễ tiếp cận và có nguy cơ bị đuối nước.
3. Đặt biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ gây đuối nước
(hồ, ao, mương, máng, sông, ngòi, vùng nước xoáy…).
4. Sử dụng nắp đậy bằng vật liệu cứng, an toàn cho bể nước,
giếng khơi, dụng cụ chứa nước (lu nước, thùng nước, chậu nước, bồn tắm,…)
5. Giám sát kỹ trẻ khi đến khu vực có nước và không để trẻ
dưới 6 tuổi ở một mình trong bồn tắm.
6. Đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi
qua suối, sông.
7. Cho trẻ tham dự các lớp học kiến thức an toàn dưới nước,
lớp học bơi và kỹ năng sống sót, lớp sinh hoạt hè do địa phương tổ chức.
8. Mặc áo phao cho trẻ khi tham gia các phương tiện giao
thông đường thủy (tàu, xuồng, thuyền, đò,…).
9. Khi gặp trẻ đuối nước cần gọi
người hỗ trợ, chỉ cứu trẻ bị đuối nước nếu biết bơi và biết cách cứu đuối.